Những thay đổi trong chiến lược tiếp thị Nhà tiêu dùng

Nhà tiêu dùng là một xu hướng tiêu dùng trong tương lai. Trong vài năm nữa, các công ty sẽ cần phải có các chiến lược mới để đáp ứng được nhu cầu đồng sáng tạo của nhà tiêu dùng. Với sự tiếp sức của công nghệ ngày càng tân tiến, người tiêu dùng cuối ngày càng quyền lực hơn cùng lúc đó, các công ty, nếu thấy được tiềm năng này, sẽ thu về một khoản lợi nhuận khổng lồ.[5] Tuy nhiên, do người tiêu dùng sẽ không còn đơn thuần là người dùng cuối nữa, các nhà tiếp thị sẽ gặp không ít khó khăn cũng như cơ hội khi tiếp cận khách hàng mục tiêu.

Phân khúc nhà tiêu dùng mục tiêu

Đối với người tiêu dùng, các nhà tiếp thị có năm biến số chính để phân khúc thị trường hiệu quả: Phân khúc theo địa lý, phân khúc theo nhân khẩu học, tâm lý học, hành vi mua hàng và lợi ích khách hàng tìm kiếm. Tuy nhiên, khi phân khúc nhà tiêu dùng, các nhà tiếp thị phải có một cách tiếp cận khác. Lúc này, họ cần chú trọng đến biến hành vi người tiêu dùng khi mua, cụ thể hành vi tùy biến sản phẩm theo ý muốn cá nhân hay mức độ tham gia đồng sáng tạo. Doanh nghiệp cần chọn cho mình phân khúc nhà tiêu dùng mà mình có đủ nguồn lực để đáp ứng. Sau khi chọn cho mình phân khúc mà doanh nghiệp hướng tới, các nhà tiếp thị sẽ định vị sản phẩm và đề ra chiến lược tiếp thị nhằm đưa sản phẩm đó đến với nhà tiêu dùng.

Định vị thương hiệu và nhà tiêu dùng

Sau khi đã lựa chọn được thị trường mục tiêu mà doanh nghiệp sẽ theo đuổi, các nhà tiếp thị sẽ quyết định xem nhà tiêu dùng sẽ nhớ tới sản phẩm này như thế nào, hay nói cách khác, sản phẩm này được định vị như thế nào trong tâm trí của nhà tiêu dùng. Bởi vì lúc này, người sử dụng đã tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm, cho nên các nhà tiếp thị cần tìm ra cách thức định vị mới. Một trong những yếu tố cần quan tâm khi định ví sản phẩm cho nhà tiêu dùng chính là sản phẩm phẩm đó phải giúp họ thỏa mãn được nhu cầu tự khẳng định bản thân, nhu cầu cao nhất trong tháp nhu cầu của Maslow.

Chiến lược tiếp thị hỗn hợp và nhà tiêu dùng

Sản phẩm và thiết kế sản phẩm

Sản phẩm gồm có ba thành phần chính: sản phẩm cốt lõi, sản phẩm hữu hình, và sản phẩm được gia tăng giá trị. Khi doanh nghiệp cho phép sự sản xuất tự tiêu xảy ra, tức cho phép người tiêu dùng tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm, họ phải đảm bảo được các thành phần sau đây được bảo tồn:

  • Thứ nhất, sản phẩm cốt lõi. Đó chính là linh hồn của sản phẩm mà doanh nghiệp đó đưa vào sản phẩm của mình. Ví dụ, một chiếc điện thoại thông minh có chức năng cốt lõi của nó chính là giúp người sử dụng kết nối với mọi người, thì hiển nhiên nhà tiêu dùng không được phép thay đổi nó.
  • Thứ hai, thương hiệu của sản phẩm. Bạn sẽ không bao giờ biết được nhà tiêu dùng đó mang đôi giày Nike nếu không có sự xuất hiện của biểu tượng swoop.
  • Thứ ba, chất lượng sản phẩm phải được đảm bảo dù cho bất kỳ thay đổi nào từ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp cho phép người tiêu dùng đồng sáng tạo sản phẩm họ muốn, doanh nghiệp đó phải cho khách hàng của mình chỉnh sửa các yếu tố sau. Ở cấp độ sản phẩm hữu hình, người tiêu dùng được thay đổi kiểu dáng bên ngoài gồm bao bì, màu sắc, chất liệu và thiết kế của sản phẩm đó. Bên cạnh đó, các dịch vụ hậu mãi cũng sẽ được cá nhân hóa theo từng khách hàng để mang lại trải nghiệm khách hàng trọn vẹn nhất cho các nhà tiêu dùng. Trong sản phẩm, xu hướng nhà tiêu dùng còn ảnh hưởng đến việc ra quyết định về dòng sản phẩm và tổ hợp sản phẩm. Thay vì các nhà tiếp thị chống lại các nhà tiêu dùng, họ nên tìm kiếm các cơ hội để đơn giản hóa hoạt động sản xuất tự tiêu đó. Một cách dễ thấy chính là tạo ra các công cụ tốt hơn giúp nhà tiêu dùng sử dụng, và tùy biến sản phẩm một cách dễ dàng.

Giá

Trong tổ hợp tiếp thị giá là yếu tố duy nhất tạo ra doanh thu. Tuy nhiên định giá như thế nào là một bài toán khó đối với các giám đốc marketing phải đối mặt. Trước đây, có ba phương pháp định giá chính: định giá theo cảm nhận người tiêu dùng, định giá theo chi phí, và định giá theo đối thủ cạnh tranh. Khi các doanh nghiệp cho phép sự sản xuất tự tiêu diễn ra với sản phẩm, các chiến lược giá sẽ có sự thay đổi. Đặc biệt, phương pháp định giá theo chi phí sẽ không còn phù hợp khi lúc này, doanh nghiệp không còn là người quyết định sản phẩm nào được sản xuất, và được sản xuất như thế nào, ở đâu, lúc nào, mẫu mã ra sao.Doanh nghiệp và người tiêu dùng lúc này đều phải phối hợp với nhau để tối ưu hóa quy trình sản xuất. Các doanh nghiệp bấy giờ sẽ định giá các sản phẩm kèm theo riêng lẻ và lấy giá của sản phẩm cốt lõi làm giá gốc, nói cách khác doanh nghiệp đang định giá sản phẩm tùy chọn.

Hệ thống kênh phân phối

Khi người tiêu dùng của một công ty dần trở thành nhà tiêu dùng, thì không khó để nhận ra rằng doanh nghiệp đó sẽ chẳng mấy chốc không cần đến các kênh trung gian bán hàng như trước đây quá nhiều nữa. Điều này mang lại cả lợi ích lẫn tác hại cho doanh nghiệp. Thứ nhất, về mặt lợi ích, doanh nghiệp sẽ bớt phụ thuộc vào trung gian mua bán hàng hóa của công ty, vì khách hàng có nhu cầu tùy biến sản phẩm nhiều hơn, dẫn tới việc dự trữ hàng hóa cuối cùng ít đi. Tuy nhiên, bên cạnh đó, khi vai trò của các kênh trung gian dần mờ nhạt đi, thì cũng là lúc doanh nghiệp đó sẽ đảm nhiệm luôn cả vai trò kênh trung gian đó, chi phí bảo quản, lưu trữ các sản phẩm cốt lõi gia tăng, chi phí vận hành kho bãi, vận chuyển từ đó cũng sẽ tăng theo. Doanh nghiệp lúc này lại phải đối mặt với bài toán mới: quản trị kênh phân phối. Kênh mua sắm của nhà tiêu dùng chính sẽ là kênh online.

Chiêu thị

Để thu hút nhà tiêu dùng, người làm tiếp thị giờ đây cần phải nhấn mạnh đến tính cá nhân hóa, tùy biến. Họ sẽ gặp nhiều khó khăn khi bán các mặt hàng đại trà. Các hoạt động quảng cáo giờ đây sẽ diễn ra trên mạng internet. Các hoạt động giáo dục nhằm nâng cao khả năng tự sáng tạo sản phẩm của người tiêu dùng sẽ ngày càng được chú trọng.

[7]